Montag, 28. August 2017

NIỆM PHẬT LÀ ĐẠI THIỀN ĐỊNH

Tuy nhiên cả ba đều cùng đi về một mối: giúp tâm chẳng loạn=định. Như vậy tâm loạn nhiều hay ít vốn ở nơi chấp tướng nhiều hay ít chứ không ở nơi ngồi thiền nhiều, trì chú hay niệm Phật nhiều hay ít...







Tại sao lại gọi là đại-thiền-định? Trước hết mình phải hiểu thiền-định là gì?
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ Huệ Năng giải thích như sau: „Này Thiện tri thức, nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là tự tánh bất động. Này Thiện tri thức, người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người là cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo“.

Tu hạnh bất động là gì? 

Bất động nghĩa thô là không có sự dịch chuyển, nghĩa vi tế là không có sự phân biệt và chấp trước. Thông thường khi 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc với các cảnh (người và vật), ngay lập tức sẽ nảy sinh  sự phân biệt và chấp trước: hay-dở, tốt-xấu, chánh-tà, phải-quấy, hơn-thiệt…khi sự phân biệt khởi lên, liền kế đó chấp trước cũng khởi nên có thương-ghét, yêu-hận, ân-oán… những niệm này trong đạo gọi là thức phân biệt và chấp trước. Thức này gắn liền với 6 căn nên gọi là: nhãn-thức, nhĩ-thức, tỉ-thức, thiệt-thức, thân-thức, ý-thức, trong đó ý-thức là quan trọng và nguy hiểm hơn cả, vì ý chính là nhân tạo nên sự phân biệt và chấp trước. Vì thế trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:
„Ý dẫn đầu các pháp,

Y làm chủ ý tạo,

Nếu với ý ô nhiễm

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo“ là vậy.

Do vậy muốn cho nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) không tạo nghiệp thì ngay khi đối cảnh (người và vật) chúng ta phải quán chiếu để cho ý đừng khởi phân biệt, chấp trước, bởi nếu ý khởi=lập tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đồng khởi. Sáu căn là một dây xích giao động liên hoàn không ngưng nghỉ. Nay mình muốn giao động này ngưng bặt, chỉ cần chặt đứt cái nhân sanh ra sự giao động đó chính là ý, lập tức 5 căn còn lại không có nhân để giao động, nghĩa là không có sự phân biệt và chấp trước khởi lên, đương nhiên sẽ „không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là tự tánh bất động“. 

Tự tánh bất động mỗi chúng sanh chúng ta đều có sẵn, nhưng vì chúng ta vô minh để cho 6 căn suốt ngày sống với lăng xăng cảnh trần rồi khởi lên phân biệt, chấp trước nên cứ ngỡ mình không có tự tánh vì thế chúng ta mải mê đi kiếm tìm tự tánh bằng cách này, cách nọ. Thực tế Tổ đã chỉ ra rằng: khi đối cảnh, tiếp vật đừng thấy sự phải-quấy, tốt-xấu, hay-dở, thiện-ác… của người=đang sống với tự tánh của chính mình.

Vế thứ hai: „Này Thiện tri thức, người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người là cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo“.

Đạo - chính là tâm thanh tịnh của mỗi người. Vì thế nếu không khởi phân biệt, chấp trước tức tâm chúng ta và mọi người đều bất động (mọi người đều sống với tự tánh của mình), nhưng lẽ đời không vậy, hễ đối người, tiếp vật, lập tức có sự phân biệt, chấp trước khởi lên, vì thế nên có tốt-xấu, hay-dở, phải-quấy, thiện-ác… khi những niệm này khởi lên dẫu cho chúng ta đang ngồi yên (bất động ý nói đang toạ thiền hay niệm Phật, trì chú) đồng nghĩa đạo đã bất tương đồng, nghĩa là: khi mình khởi phân biệt, chấp trước=mình đang mê; ngược lại người đối với mình, tâm không khởi phân biệt, chấp trước=người đang sống với tự tánh thanh tịnh. Do vậy Tổ dạy: „Chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo“.

Chấp tâm là gì? 

Tâm thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu-chánh-tà, thiệt-hơn, giỏi-dốt… đó là tâm thô, chúng ta có thể nhận biết ra được khi nó khởi lên, nhưng chấp tâm còn có nghĩa vi tế nữa hoặc chúng ta nghĩ: tu tâm thôi (ý nói tâm tốt, thiện là đủ), cần gì phải ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, ăn chay hay phóng sanh, bố thí cúng dường Tam Bảo thêm cho mệt. Đó chỉ là lối nguỵ biện của người đời, trong đạo còn gọi là hý luận, bởi tâm có tu hay không, chỉ cần đối cảnh có sự phân biệt nói trên khởi lên hay không, chúng ta lập tức biết: tu hay chẳng tu.  Chấp tâm cũng còn có nghĩa thứ hai: chúng ta đi tìm cái tâm thanh tịnh của chính mình bằng cách: nghe đủ các loại pháp, học đủ các pháp sư, tụng đủ các loại kinh; lạy đủ các đức Phật, trì đủ các loại chú, niệm Phật thật nhiều; toạ thiền thật lâu… nghĩa là pháp nào mình cũng tìm cách cho hội đủ cả, với mong nguyện sẽ tìm thấy tâm của mình. Tất cả những điều nói trên chẳng thể tìm thấy tâm chân thật, bởi đó là pháp phương tiện, giúp chúng ta nương về một mối, nhưng cái tâm chân thật (chân tâm) của mỗi chúng ta vốn luôn hiển hiện, chẳng mất, chỉ có điều nó đang bị những vô minh=sự phân biệt, chấp trước khởi lên khi đối người, tiếp vật che lấp, nên chúng ta ngỡ mình đã mất hay không có chân tâm, vì thế mà mê mải dùng các pháp để kiếm tìm. Phật ví điều này giống như người có ngọc minh châu trong vạt áo, nhưng không hay biết, lại nay đây, mai đó đi cùng khắp để ăn xin vậy.

Chấp tịnh là gì? 

Đây là điều vô cùng quan trọng khi tu học cho dù là pháp nào của Phật, bởi chúng ta thường khởi nghĩ: Tâm mình lăng xăng quá, động quá, mình phải năng ngồi thiền, năng niệm Phật, năng trì chú cho tâm thanh tịnh. Vì thế hàng ngày gò thân mình phải ngồi vài ba tiếng để tụng kinh, ngồi thiền, trì chú, niệm Phật…rồi khi ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật chúng ta mong sao cho tâm thật thanh tịnh và tìm cách để không cho những ồn ào, huyên náo bên ngoài tác động, với ý nghĩ tâm sẽ mau tịnh hơn. Thực tế tịnh hay không tịnh chẳng ở nơi cảnh vật mà ở chính nơi tâm của mỗi chúng ta. Muốn tâm tịnh chúng ta đừng khởi phân biệt, chấp trước (cả thiện và ác). Nhưng vì tâm chúng ta từ vô thỉ tới nay luôn sống trong sự phân biệt và chấp trước, do vậy tâm ấy luôn bất tịnh. Vì sự bất tịnh này nên Phật, chư Tổ mới khuyên, tạo các pháp giúp cho chúng ta khắc chế tâm loạn động, vô minh đó, bằng cách: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú…nhằm giúp cho chúng ta khắc chế cái tâm lăng xăng vô minh nói trên. Vì vậy khi tu học nếu chúng ta không khéo quán chiếu sẽ bị kẹt vào cảnh chấp tâm và chấp tịnh.

Trở lại với thiền định là gì? 

Tổ Huệ Năng giải thích: „Này Thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn; ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chân định vậy".
 
„Tướng“ mà Tổ Huệ Năng nói là tướng gì? Chính là tướng phân biệt, chấp trước khởi lên khi các căn chúng ta đối cảnh, tiếp vật: thiện-ác, tốt-xấu, hay-dở, trắng-đen, thương-ghét, giận-yêu, chánh-tà, ân-oán… khi những tướng này khởi lên từ ý căn, ngay lập tức các căn còn lại sẽ chạy theo rồi bám chấp vào các tướng đó, thậm chí bị các tướng đó lôi kéo, chi phối tới điên đảo. Như vậy ngay một niệm ví thử: tốt-xấu, thương-ghét khởi lên thôi, lập tức ý căn sẽ chi phối (điều khiển) các căn khác cùng khởi lên những hành vi tương ưng với những niệm tốt-xấu, thương-ghét. Điều này chúng ta có thể nhận ra ngay trong mối quan hệ sinh hoạt của một gia đình: cùng là con, cháu trong một gia đình nhưng cách đối xử của  cha, mẹ, ông bà với con, cháu hoàn toàn khác biệt: đứa rất thương, đứa rất ghét; đứa luôn khen tốt, đứa luôn chê xấu. Đứa thương đáp ứng cho tất cả; đứa ghét đáp ứng cầm chừng; đứa tốt luôn dành cho phần trội; đứa xấu dành phần ít thậm chí bị lãng quên. Trong đạo gọi đó là sống với tướng và bị tướng chi phối tới điên đảo=phiền não sanh. Nay Tổ dạy: ngoài (tức 5 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) hãy lìa những tướng điên đảo đó, tất tâm (ý) sẽ chẳng loạn, bởi „bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chân định vậy“.

Tổ kết luận: „Này Thiện tri thức, ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định, ngoài thiền trong định, ấy gọi là Thiền định“. 

Hai chữ „thiền định“ mà Tổ nói thật rất đơn giản chứ không hề cao siêu tới độ người thường chúng ta không thể lĩnh ngộ, trái lại ai ai cũng có thể lĩnh ngộ được, nhưng khi đi vào hành trì (tức quán chiếu và thực hành) thì có sự khác biệt: người ngồi thiền, người trì chú, người niệm Phật. Tuy nhiên cả ba đều cùng đi về một mối: giúp tâm chẳng loạn=định. Như vậy tâm loạn nhiều hay ít vốn ở nơi chấp tướng nhiều hay ít chứ không ở nơi ngồi thiền nhiều, trì chú hay niệm Phật nhiều hay ít. 

Vậy tại sao lại gọi niệm Phật là đại thiền định? 

Chữ "đại" không hẳn là to, lớn, tầm cỡ so với nghĩa ngoài đời, mà đại trong đạo Phật là bất khả tư nghì nghĩa, nghĩa là không thể giải tận cùng nghĩa. Muốn biết đó là thực hay hư chúng ta chỉ cần khái lược cụm từ: Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô là hồi đầu, là nương về, nương tựa. Hồi về đâu? Và nương tựa về đâu, về ai? Bỏ ác, hành thiện, giữ tâm thanh tịnh=hồi đầu. Nương Phật, nương Pháp, nương Tăng chính là hồi đầu.
A Di = Vô.
Đà=Lượng
Phật=Giác.
Gộp lại: chúng ta nguyện hồi đầu hướng thiện (bỏ ác, hành thiện) để nương tựa đấng Vô Lượng Giác. Ai là vô lượng giác? Mười phương ba đời chư Phật đều là vô lượng giác. Nhưng trong số các chư Phật đó, Phật Thích Ca (bậc Vô Lượng giác thị hiện và nhập diệt cách đây 2561 để cứu độ chúng sanh chúng ta) đích miệng khuyên các Phật tử hãy nương về giáo pháp của Phật A Di Đà tức Pháp Môn Niệm Phật mà trong Kinh A Di Đà đức Phật đã nói rất cụ thể: 

*„Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà“:

Lại nữa: „Xá-Lợi-Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của các đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác“. 

*Kinh Niệm Phật Ba La Mật Phật Thích Ca cũng dặn Diệu Nguyệt Cư Cĩ: „Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sanh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sanh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sanh khởi chẳng rời sát-na tâm sanh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát-na tâm sanh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát-na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp NIỆM PHẬT.


Diệu-Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào, đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y báo, và Chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây-phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả vị Bất-thối-chuyển. Từ lúc ấy nhẫn nại về sau, vượt qua Thập-địa, chứng Vô-thượng-giác.


Diệu-Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất, mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sanh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết-bàn tại thế, thành Phật trong một đời.

Đây là môn tu Đại oai lực, Đại phước đức mà chư Phật giúp chúng sanh vượt thắng thân phàm phu, mà thâm nhập cảnh giới Chơn-thường.

Đây là môn tu Đại bát-nhã, Đại thiền-định, mà chư Phật dùng làm thuyền bè đưa hết thảy chúng sanh qua thấu bờ bên kia, không còn sanh già bịnh chết, hoàn toàn hưởng dụng pháp lạc.

Đây là môn tu Đại trang-nghiêm, đại thanh-tịnh, mà chư Phật dùng để đưa hết thảy chúng sanh vào giới luật, nhiếp chúng sanh vào oai nghi, an ổn khoái lạc.

Đây là một môn tu Đại nhu-hòa, Đại nhẫn-nhục, mà chư Phật giúp hết thảy chúng sanh tự tại giữa khổ và vô thường mà thành tựu Tri Kiến Phật.

Đây là môn tu Đại Bồ-đề, Đại siêu-việt, mà chư Phật dùng làm cứu cánh để giúp hết thảy chúng sanh thành Phật, như Phật ngay trong một kiếp.

Đây là môn tu Đại từ-bi, Đại dũng-mãnh, mà chư Phật dùng để giúp chúng sanh có được cái Tâm bằng Tâm chư Phật, có được cái nguyện bằng Nguyện chư Phật, mau chóng vượt qua địa vị phàm phu và tự chứng Pháp thân từng phần“.

*Kinh Phật Thuyết Thập Vãng Sanh A Di Đà Phật Quốc Phật Thích Ca dạy: „Phật bảo đại chúng: Sau khi ta diệt độ, thọ trì kinh này trong tám vạn kiếp rộng tuyên nói, lưu truyền, đến thời ngàn đức Phật trong Hiền kiếp, khiến khắp các chúng sanh nghe biết, tin ưa tu hành; kẻ nói, kẻ nghe đều được vãng sanh cõi Phật A Di Đà. Nếu có những kẻ như thế, ta từ hôm nay trở đi, thường sai hai mươi lăm vị Bồ Tát hộ trì người ấy, thường khiến cho người ấy không bệnh, không khổ, dù là người hay phi nhân đều chẳng thừa dịp làm hại được, đi, đứng, nằm, ngồi, bất luận là ngày hay đêm, thường được an ổn.


Nếu có chúng sanh tin tưởng sâu xa kinh này, niệm A Di Đà Phật, nguyện vãng sanh thì đức Phật A Di Đà trong thế giới Cực Lạc kia bèn sai Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Pháp Tự Tại Bồ Tát, Sư Tử Hống Bồ Tát, Đà La Ni Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Đức Tạng Bồ Tát, Bảo Tạng Bồ Tát, Kim Tạng Bồ Tát, Kim Cang Bồ Tát, Sơn Hải Huệ Bồ Tát, Quang Minh Vương Bồ Tát, Hoa Nghiêm Vương Bồ Tát, Chúng Bảo Vương Bồ Tát, Nguyệt Quang Vương Bồ Tát, Nhật Chiếu Vương Bồ Tát, Tam Muội Vương Bồ Tát, Tự Tại Vương Bồ Tát, Đại Tự Tại Vương Bồ Tát, Bạch Tượng Vương Bồ Tát, Đại Oai Đức Vương Bồ Tát, Vô Biên Thân Bồ Tát, hai mươi lăm Bồ Tát ấy ủng hộ hành giả, dù đi hay đứng, dù nằm hay ngồi, dù ngày hay đêm, trong hết thảy thời, hết thảy nơi, chẳng cho ác quỷ, ác thần được thừa dịp làm hại“. 

Tới đây chúng ta có thể nhận ra lý do tại sao Phật gọi Pháp Niệm Phật là Đại Thiền Định? Không gì khác đó là pháp giúp chúng sanh phá dứt vô minh tức tâm phân biệt, chấp trước, một đời thành tựu, một đời vĩnh ly sanh tử luân hồi… 

Đại hay Tiểu lúc này lại tuỳ thuộc ở nghiệp lực, tâm quán chiếu và sự tu trì của mỗi chúng ta.

Thiện Nhân

New Comments