Donnerstag, 18. Oktober 2012

Tướng do tâm sanh, cảnh tuỳ tâm chuyển

Vollbild anzeigen"Thân chúng ta=hư giả. Ta chấp cái hư giả đang hiện hữu, đang xảy ra xung quanh, rồi chấp thêm cái hư giả của chính mình đang có, đang vay mượn, liền một lúc ta chấp cả hai cái giả đang hiện hữu, vậy thì tâm mình làm sao an lạc được..."


Đây là câu mà Phật cùng các Tổ luôn luôn nhắc tới trong các Pháp môn của Phật nói chung, đặc biệt là pháp môn niệm Phật.
Tại sao lại gọi: Tướng do tâm sanh? Nói giản đơn một chút: Trong tâm chúng ta vốn có hai ngăn. Một ngăn là tịnh tâm (Phật tâm) và một ngăn là động tâm (Chúng sanh tâm).
Sở dĩ tâm của chúng ta luôn luôn bất tịnh là do lúc này Chúng Sanh Tâm đã vượt trội Phật Tâm, nghĩa là nó đã khống chế được Phật tâm của mình, từ đó, ngày mỗi ngày, giờ mỗi giờ, niệm mỗi niệm, Phật tâm càng bị thu hẹp, nhỏ dần, rồi dần dần bị triệt tiêu. Lúc này trong tâm của chúng ta chỉ còn duy nhất: Tâm Chúng Sanh = Tham-sân-si-ngã-mạn…
Trở lại với câu: Tướng do tâm sanh (tướng đây gọi là Sắc tướng). Cái gì gọi là Sắc tướng? Trong Kim Cang Bát Nhã Tâm Kinh Phật giải thích cụ thể như sau:
"Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược tướng chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai".
Nghĩa là: Phàm tất cả những gì chúng ta có thể nhận biết ra được, cảm được, ý thức được… còn gọi là 6 thức: nhãn-nhĩ-tỉ-thiệt-thân-ý, tiếp xúc 6 trần: sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, rồi từ nơi 6 trần ấy mà nảy sinh vọng động = Sắc Tướng = Hư Vọng = Giả. Biết nó là Giả, là Hư Vọng thì đừng nên chấp nó, tất sẽ thấy được thật tánh Như Lai. Thật Tánh Như Lai là gì? Khi nào chúng ta mới có được, mới đạt được cảnh giới Như Lai đó? Chúng ta không nên nghĩ: Như Lai đây là Phật, mà để chứng được Niết Bàn thành Phật, với chúng ta nó là chuyện hoang đường, viễn tưởng… Thực ra không phải vậy, mà thật tánh Như Lai vốn luôn hiện hữu (có sẵn) trong mỗi chúng sanh. Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có sẵn đức tướng Như Lai. Như Lai = không còn Sanh-Diệt (Sanh tử luân hồi); không còn Nhân-Ngã. Khi còn Nhân, còn Ngã tất sẽ còn Sanh, còn Diệt. Khi Sanh-Diệt còn hiện hữu tất Như Lai sẽ không thể hiện tiền. Ngược lại Như Lai sẽ luôn luôn hiện hữu.
Quán chiếu được như vậy chúng ta sẽ thấy: Những vọng động này là do Tâm của chúng ta dấy khởi, chứ thực ra cảnh sắc vốn không tự nó dấy khởi được.



Một ví dụ nhỏ để chúng ta cùng chiêm nghiệm: Khi chúng ta ngồi niệm Phật, bỗng nghe tiếng đứa trẻ hàng xóm hò hét inh ỏi ngoài cửa. Nếu chúng ta biết quán chiếu, nghĩa là chúng ta dùng cái phân nửa Tâm Phật của mình (tâm Như Lai) để quán chiếu cái tiếng hò hét đó, rồi tự nhủ rằng: À, đứa trẻ lại nghịch ngợm, lại la hét rồi, kế đó chúng ta để cho hình bóng và tiếng la hét của đứa trẻ tự lắng trong Tâm Phật của mình cho đến khi tiếng hét hoàn toàn tự nó biến mất trong Tâm của mình. Nhưng ở đây chúng ta không làm vậy. Khi nghe tiếng đứa trẻ vừa hét lên thôi, thì tâm của của chúng ta đã vội vàng bứt ra khỏi thân của mình, rồi ngay lập tức liền dùng ý để phán đoán: thằng bé này là con nhà ai; hoặc nó chắc ở chỗ nọ, chỗ kia; nó bao nhiêu tuổi; giờ này lẽ ra nó phải làm gì; tại sao chỗ khác nó không hò hét lại tới trước cửa nhà mình; tại sao nó không hét vào lúc khác lại nhằm lúc mình niệm Phật mà hò hét… Sự suy diễn không ngừng trong tâm như vậy sẽ tạo nên một động cơ, thúc đẩy ý-thân phải hành động: Nghĩa là mình sẽ phải làm điều gì đó để buộc cái tiếng hò hét của đứa trẻ kia biến mất.
Sẽ có hai tình huống xảy ra: Một là chúng không thể kìm chế tâm, rồi vùng dậy, ra quát mắng, doạ, nạt đứa trẻ… buộc nó phải biến khỏi nơi mình đang niệm Phật; Hai là chúng ta cố gắng tiếp tục ngồi niệm Phật, nhưng trong tâm lại luôn luôn nổi sân-hận không ngừng… nghĩa là miệng mình thì niệm Phật, nhưng tâm Chúng Sanh lại bừng bừng dấy khởi. Và như thế, cả hai trường hợp, buổi niệm Phật đều trở nên vô nghĩa, và mặc dù chúng ta có cố gắng ngồi đó để tiếp tục niệm Phật, hay niệm cho đến thâu đêm, suốt sáng, kết quả vẫn không đạt được điều gì cả. Kể cả việc đứa trẻ đã không còn hò hét nữa, nhưng trong tâm của chúng ta lúc này vẫn còn hiện hữu những sân-hận=tâm chúng sanh.
Mấu chốt là gì? Tiếng hò hét là Sắc tướng; Suy diễn hình tướng, hành vi… của đứa trẻ=Sắc tướng. Tại sao biết nó là Sắc tướng? Bởi ta nhận biết ra được (nghe được), rồi từ nhận biết được ta suy diễn ra đủ mọi tình huống, rồi dùng ý, thân của mình để giải quyết những tình huống đó. Việc muốn giải quyết tình huống để tịnh tâm niệm Phật=Sắc tướng. Khi niệm Phật mà sắc tướng trùng trùng dấy khởi, thì lúc này gọi là Tâm Chúng Sanh niệm Phật chứ không phải Tâm Phật niệm Phật nữa.
Như vậy muốn để tâm Phật niệm Phật, buộc chúng ta phải có biện pháp khắc chế (còn gọi là quán chiếu tâm), nghĩa là: Ta hãy hoan hỉ thu nhận tất thảy những tiếng loạn động đang xảy ra đó, rồi đem nhiếp chúng vào Chân Tâm (Phật Tâm=không có Nhân-Ngã; không có Sanh-Diệt) của mình, để cho nó tự lắng xuống và tự biến mất. Tâm Phật là tâm đại từ, đại bi, đại hỉ xả. Khi cái tâm ấy bị biến mất = ta đã để Tâm chúng Sanh lấn át, rồi điều khiển mất rồi. Ngược lại: Khi tâm Phật có thể khống chế Tâm chúng sanh = Sắc tướng = KHÔNG; Và ngược lại: Tâm chúng sanh khống chế tâm Phật = Sắc tướng là Sắc tướng.

Trong Bát Nhã Tâm Kinh Phật nói: "Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế".

Nghĩa là: "Xá Lợi Tử, Sắc cũng chẳng khác Không, Không cũng chẳng khác Sắc, Sắc cũng giống như Không, Không cũng giống như Sắc, Thọ, Tưởng Hành, Thức cũng đều như thế".

Đọc thật kỹ câu Kinh này rồi quán chiếu ví dụ trên chúng ta có thể nhận biết đâu là Sắc, đâu là Không. Biết nó là Sắc mà mình chấp nó, rồi bị nó lôi cuốn, vậy là mình đang mê rồi, mình đang Chấp Sắc rồi, mà cảnh Sắc=hư giả. Thân chúng ta=hư giả. Ta chấp cái hư giả đang hiện hữu, đang xảy ra xung quanh, rồi chấp thêm cái hư giả của chính mình đang có, đang vay mượn, liền một lúc ta chấp cả hai cái giả đang hiện hữu, vậy thì tâm mình làm sao an lạc được? Ngược lại: Biết những cảnh sắc đó là Sắc Tướng, thân ta cũng là sắc tướng, hai cái Sắc tướng này có đấy, rồi cũng tự hoại đấy, thì có điều chi khiến cho mình phải động tâm rồi mê mải, lo lắng cho sự tự sanh-diệt đó?
Sở dĩ chúng ta bị suy tâm là do chúng ta tham quá, sân quá, chấp quá, còn nhân-ngã quá. Cái gì cũng là của Ta; thuộc về Ta; Ta là tất cả; Ta là vĩnh viễn; Ta là thối thượng... Vì cái tâm tham-chấp đó, chúng ta không chịu buông ra (buông xả) bất cứ một thứ gì. Nghĩa là: Tất cả những gì mà 6 thức bắt với 6 trần chúng ta đều vội vàng thu gom hết vào trong tâm, rồi giữ rịt những thứ đó trong tâm, làm của riêng, thập chí còn ấp ủ nó mãi mãi không chịu buông xả.
Cổ Đức có câu này:
"Càng buông bỏ dưới chân này
Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao".
Nghĩa là: Cuộc đời này mình càng buông xả được bao nhiêu, thì tâm của mình, tánh Phật của mình – tự tánh Như Lai càng hiện tiền bấy nhiêu. Vị trị đứng ở đây là vị trí của Phật Tâm (không phải vị trí đứng trong xã hội, trong nhân gian), nghĩa là càng xả, thì Phật Tâm càng được củng cố, thiện tính càng được gia tăng. Một niệm thiện, một niệm buông xả=đồng với một niệm Như Lai. Vạn niệm thiện, vạn niệm buông xả=vạn niệm Như Lai.
Chúng ta hãy thử hình dung: một ngày có được vài ba giờ, vài ba chục phút, thậm chí vài chục giây sống được với tự tánh Như Lai ấy tâm chúng ta sẽ an lạc biết nhường nào? Tự tánh Như Lai = Niết Bàn. Cảnh giới Niết Bàn vốn không ở đâu xa, trái lại nó luôn hiện hữu ngay trong niệm niệm của chúng ta.
Đối Cảnh Vô Tâm Mạc Vấn Thiền.
Huệ Tâm

New Comments